[Hạc San: "HỒN - TRĂNG - MÁU"] - Dữ Liệu/Data
01. “Hồn - Trăng - Máu” là gì?
- HỒN - TRĂNG - MÁU là 3 biểu tượng nghệ thuật trong thơ của Hàn Mặc Tử, trải dài trong suốt hành trình sáng tác của ông. Nếu các bạn đã từng đọc qua “Bẽn lẽn” để thấy Trăng của Hàn “nằm song soài trên cành liễu”, đã từng xem qua “Hồn lìa khỏi xác” để thấy Hồn của Hàn “bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa”, hay trong “Rướm máu” ta lại thấy Hàn “ngất ngư trong vũng huyết”… Mỗi giai đoạn của cuộc đời, khi thăng hoa tới bệnh tật, 3 biểu tượng trên vẫn luôn xuất hiện để thay Hàn Mặc Tử nói lên lòng mình. Nói cách khác “Hồn - Trăng - Máu” cũng chính là “Hàn Mặc Tử” (thật ngẫu nhiên khi tên của thi sĩ khi viết tắt cũng là H-M-T)
02. Tại sao lại là 1 nhạc phẩm dài 29:02 với 6 chương mà không phải là 6 bài hát riêng biệt?
- “Hồn - Trăng -Máu” được Dzung dựa trên những dữ liệu thật về cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử và phóng tác trở thành một câu chuyện giả tưởng về một sinh linh cô độc trên một tinh cầu xa lạ và khát khao đi tìm sự sống. Vì đây là một concept album nói về cuộc đời của một danh nhân qua góc nhìn hiện đại nên khi bắt đầu thực hiện album, chúng tôi muốn gói gọn tất cả chỉ trong MỘT ca khúc bởi đơn giản cuộc đời con người chỉ có MỘT mà thôi.
- Đây là một ca khúc với kết cấu phức tạp và chắc chắn không phải là một ca khúc được ghép bởi 6 miếng đơn lẻ. Khi nghe “Hồn - Trăng - Máu” các bạn sẽ có thể nhận ra cách chúng tôi dẫn nhập, gợi lại tình tiết… thông qua âm nhạc. Một giai điệu có thể xuất hiện với nhiều hình hài khác nhau trong các chương, một câu đàn réo rắt có thể ngân lên khi bạn nghĩ nó thuộc về một chương khác. Tất cả đều được phối khí và trình diễn một cách có chủ đích.
03. Tại sao độ dài của một bài duy nhất lại là 29:02?
- Hàn Mặc Tử sinh ngày 22.09 và mất ngày 11.11 nên chúng tôi lấy các con số 1,2,9,2 để quyết định độ dài của concept album: 1 track 29 phút 2 giây.
- Ngày nay khi âm nhạc được phủ sóng trên digital, rất ít người còn giữ thói quen nghe 1 ALBUM mà chủ yếu nghe 1 CA KHÚC đơn lẻ. Vì vậy album với 1 bài sẽ giải quyết được thói quen của người nghe và mong muốn của ban nhạc chúng tôi.
04. Tại sao lại là 6 chương?
“Hồn - Trăng - Máu” bao gồm 6 chương: HÀN - NGUYỆT - MỘNG - PHONG - HUYẾT - TỬ được kết cấu theo vòng “SINH - BỆNH - TỬ”.
Chúng tôi quyết định bỏ “LÃO” bởi nhà thơ Hàn Mặc Tử tạ thế khi còn rất trẻ. Chúng tôi sẽ gửi tới các bạn chi tiết phần concept script của từng chương trong những bài viết sau, dưới đây là những dữ liệu chúng tôi sử dụng:
- SINH:
• Chương I: Hàn (00:00 - 05:29)
• Chương II: Nguyệt (05:29 - 10.10)
Dữ liệu:
- Nhà thơ tên thật là Nguyễn Trọng Trí, làm thơ từ năm mười sáu tuổi lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thanh. Đến năm 1936, mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử. "Hàn Mạc Tử" nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải.
- Sau đó bạn bè gợi ý ông nên vẽ thêm Mặt Trăng khuyết vào bức rèm lạnh lẽo để lột tả cái cô đơn của con người trước thiên nhiên, vạn vật. "Mặt Trăng khuyết" đã được "đặt vào" chữ "Mạc" thành ra chữ "Mặc". Cái tên cũng đánh dấu tài năng và sự thành công của Hàn Mặc Tử. - BỆNH:
• Chương III: Mộng (10:10 - 16:52)
• Chương IV: Phong (16:52 - 18:57)
Dữ liệu:
- Hàn Mặc Tử quen Mộng Cầm trong thời gian phụ trách trang văn chương cho tờ báo Trong Khuê Phòng. Hàn Mặc Tử đã nhận được một số bài thơ như thế của Mộng Cầm gửi đến và từ đó làm quen với Mộng Cầm. Qua những vần thơ trên báo, Hàn Mạc Tử đã tìm đến làm quen, bày tỏ tình cảm với bà qua bài “Muôn năm sầu thảm”.
- Một hôm, từ Sài Gòn ra Phan Thiết thăm Mộng Cầm, chàng được Mộng Cầm dẫn đi dạo chơi lầu ông Hoàng. Đến lúc chiều tối trở về, băng qua cánh đồng thì gặp cơn mưa giông. Cả hai chạy vào trú trong một căn chòi bên đường. Từ trong căn chòi, hai người nhìn ra bên ngoài thấy có những quả cầu lửa màu xanh dưới đất vùn vụt bay lên. Những quả cầu lửa chớp tắt liên tục. Hai người rất hoảng sợ, ngồi ôm nhau run rẩy trong căn chòi. Một lúc trời quang mây tạnh, bước ra khỏi nơi trú mưa thì mới biết mình đang ở cạnh một ngôi mộ ai mới chôn. Trở về Sài Gòn ít hôm, Tử thấy ngứa ngáy khó chịu trong người. Một thời gian thì nổi lên những vết đỏ như đồng xu ở trên lưng, sau lan dần ra khắp người. Căn bệnh phong xuất hiện từ đó. - TỬ:
• Chương V: Huyết (18:57 - 23:26)
• Chương VI: Tử (23:26 - 29:02)
Dữ liệu:
- Những năm 1938 - 1939, thi sĩ đau đớn dữ dội bởi bệnh tật, nhưng trước mặt bạn bè, ông cố kìm nén, chỉ gào thét trong thơ. Lúc này, sau một thời gian chữa chạy bằng đông y, chẳng những căn bệnh phong cùi không thuyên giảm chút nào mà ngược lại còn làm thân thể ông ngày một tiều tụy đi vì những tác dụng phụ của thuốc. Mặt khác, thông tin về việc ông bị mắc bệnh phong đã đến tai chính quyền địa phương. Do đó, Hàn phải liên tục thay đổi chỗ ở để tránh sự truy đuổi gắt gao của Sở Vệ sinh công cộng thành phố Quy Nhơn. Cuối cùng, gia đình tìm thuê cho ông được một nơi ở khá kín đáo trong khu lao động nghèo nằm bên cồn cát trắng ven biển. Đó là một túp lều tranh rách nát đến độ phải lấy giấy báo và bao thư che những chỗ dột trên mái nhà.
- Thi sĩ mất vào ngày 11/11/1940 trong cô đơn lặng lẽ, không có bất kỳ một người thân nào bên cạnh. Ngay buổi chiều ngày hôm đó, tang lễ được tiến hành một cách đơn giản. Nơi Hàn Mặc Tử yên nghỉ nằm bên cạnh con suối, về mùa mưa nước thường dâng đầy bờ. Điều này y như câu thơ trên mà chàng đã viết trước đó rất lâu. (“Một mai tôi chết bên khe Ngọc tuyền” - Một Miệng Trăng)
6 chương của “Hồn - Trăng -Máu” mở đầu bằng HÀN và kết thúc bằng TỬ cũng như cái tên đã đánh dấu tài năng của HÀN MẶC TỬ.
Hạc San sẽ gửi tới các bạn phần Concept Script trong những bài viết sau. Xin cảm ơn.